Viêm phổi và viêm tiểu phế quản cấp là các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp và hay phát triển ở trẻ nhỏ, nhất là những trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây, Bác sĩ Ngô Thị Bội Kha, Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung Ương sẽ chia sẻ về bệnh viêm đường hô hấp dưới và cách phòng ngừa của bệnh.
Bệnh viêm phổi và viêm tiểu phế quản cấp là bệnh thường gặp
và rất nguy hiểm ở trẻ
Hỏi: Chào bác sĩ, hiện nay trong các thời điểm giao mùa, trẻ em rất dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp dưới như bệnh viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản cấp. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây ra bệnh là ở đâu ?
Bs. Ngô Thị Bội Kha: Trẻ em dưới 5 tuổi rất dễ bị viêm phổi và viêm tiểu phế quản cấp do khả năng miễn dịch còn yếu và chưa phát huy đầy đủ, dẫn đến dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi và viêm tiểu phế quản cấp chủ yếu do virus gây ra. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như: Môi trường sống đông đúc chật hẹp, khói thuốc, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch.
Hỏi: Vậy triệu chứng viêm phổi hay viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ sẽ ra sao, thưa bác sĩ?
Bs Ngô Thị Bội Kha: Đối với bệnh viêm phổi, có các triệu chứng như khó thở, thở nhanh, tím tái, co rút lồng ngực…Hậu quả là suy hô hấp dẫn đến thiếu oxy, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây tử vong. Cha mẹ có thể phát hiện bệnh khi thấy các bé có biểu hiện: Ho, khó thở, nhịp thở nhanh nông, co rút lông ngực, tím tái…
Còn đối với bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ là bệnh nguy hiểm và thường mắc vào mùa Đông- Xuân. Tổn thương cơ bản là xuật hiện hiện tượng viêm xuất tiết, phù nề niêm mạc tiểu phế quản lan rộng và hậu quả có thể gây tắc hẹp đường thở làm cho trẻ khó thở, tím tái. Nếu không phát triển kịp thời, điều trị tích cực, trẻ có thể tử vong vì ngạt thở.
Hỏi: Là một bác sĩ chuyên môn, theo bác sĩ khi trẻ đã mắc bệnh viêm phổi hay viêm tiểu phế quản cấp thì hướng điều trị có phức tạp?
BS Ngô Thị Bội Kha: Viêm phổi nhẹ thì có thể điều trị tại nhà bằng kháng sinh do bác sĩ kê đơn, theo dõi ăn- uống- thở của trẻ, theo dõi nhiệt độ của trẻ nếu sốt. Khi có các dấu hiệu chuyển bệnh, cần đưa ngay trẻ vào viện để được điều trị bằng kháng sinh tiêm, hay dùng thêm một số biện pháp như thở oxy hoặc truyền dịch cho trẻ.
Đối với viêm tiểu phế quản thì cũng như thế, nếu nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Phụ huynh cần chú ý theo dõi để chăm sóc, hỗ trợ trẻ kịp thời, cho trẻ uống nhiều nước và nếu trẻ sốt thì điều trị hạ sốt… Với trường hợp nặng đưa trẻ vào viện thăm khám để có hướng điều trị kịp thời. Tùy theo tình trạng bệnh trẻ có thể được chỉ định điều trị bằng kháng sinh tiêm và dùng thêm một số biện pháp như thở oxy, khí dung hoặc truyền dịch.
Hỏi: Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh cách phòng ngừa bệnh viêm phổi cũng như viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ trong thời tiết giao mùa như thế này?
BS Ngô Thị Bội Kha:Từ trước đến nay, luôn luôn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chú ý đến sức khỏe của con em mình một cách sát sao để hiểu rõ về cơ thể của trẻ. Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp dưới, mẹ nên chú ý luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là vùng cổ và bàn chân. Khi gia đình sử dụng điều hòa nên chú ý chỉ để chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời chừng 5oC. Các mẹ cần lưu ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh cho trẻ nhiễm những virus có hại đặc biệt là trong thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi. Và điều quan trọng mà mỗi bậc phụ huynh cần chú ý đó là cho trẻ một hệ miễn dịch tốt nhất, nâng cao thể trạng cho bé bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh, cho trẻ một sự phát triển toàn diện.
Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
Chu Dinh (thực hiện)
Đăng nhận xét